Thứ Tư, 3 tháng 9, 2008

Giúp con định hướng nghề nghiệp


Lớn lên con làm gì?
Rất nhiều phụ huynh quan niệm rằng trẻ con còn nhỏ thì biết gì về tương lai xa xôi mà hướng dẫn, giải thích. Có nói trước mai mốt chắc gì nó làm được. Lo những chuyện trước mắt còn chưa xong nữa, lấy gì... Và vì vậy, nhiều gia đình đã bỏ qua một vai trò hết sức quan trọng của mình là tạo điều kiện cho con bộc lộ tối đa những xu hướng cá nhân; hướng dẫn, giúp con định hướng con đường sẽ đi trong tương lai và chuẩn bị những hành trang tốt nhất để đi trên con đường đó.
Đường đời cũng luôn có nhiều vòng xoay, có lắm ngã ba, ngã tư. Người lớn mỗi khi tham gia giao thông đều biết nên chọn con đường ngắn nhất, dễ đi nhất để đi từ nhà đến cơ quan hay từ cơ quan về nhà, chỉ đơn giản là nhờ họ luôn biết trước điểm đến. Vậy mà với cuộc đời của con cái, nhiều người để mặc cho con tự mày mò, mất phương hướng hoặc để mặc cho hoàn cảnh đưa đẩy, để con thử và sai nhiều lần theo “quy luật hên – xui”...
Con cái luôn là tài sản quý giá của cha mẹ nên cha mẹ nào cũng muốn bảo bọc con. Trước hết là cho con ăn ngon mặc đẹp, khỏe mạnh, quần áo, đồ chơi không thua kém mọi người. Sau nữa là học hành giỏi giang, điểm cao, hạng cao, mỗi năm đều lên lớp. Từ đó mà đã có nhiều đứa trẻ bị cha mẹ lo lắng cho là “không bình thường” khi có những ý nghĩ “cao siêu” quá.
Như lời chị Minh tâm sự với chuyên viên tư vấn tâm lý học đường về bé Hiền - con chị: “Mới học lớp 6, con nhà nghèo, mà cứ “mai mốt lớn lên con học Đại học Harvard, làm giống Bill Gates”. Tôi chỉ cầu cho nó lên lớp mỗi năm, đừng có lưu ban là mừng rồi. Không biết nó có bị sao không nữa?!”. Một trường hợp khác cũng bị cha mẹ “mách” giống như vậy khi em này học lớp 8 mà “dám” phát biểu một câu: “Lớn lên, con sẽ học và làm trong ngành xây dựng để xây nhà từ dưới đất xây lên chứ không có xây từ sân thượng xây xuống như người ta đang làm bây giờ!”.
Những ước mơ trên đúng ra phải làm cho các bậc cha mẹ vui mừng hơn là lo lắng mới phải. Thay vì chỉ trích, cười cợt hoặc phê phán con, có lẽ chị Minh hay một ai đó, hãy dành thời gian giải thích cho con trẻ hiểu, làm thế nào để có thể đến được đích, cần chuẩn bị gì ngay từ bây giờ để đạt được nó trong tương lai. Hãy giúp trẻ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão và xây dựng niềm tin vào bản thân.
Giúp con, chứ đừng làm thay!
Giúp con định chọn nghề nghiệp yêu thích tốt hơn là ép vào một nghề mà chúng không thích
“Em nản quá, chỉ muốn bỏ nhà đi thôi!”. Đó là tâm sự của T.L., đang chuẩn bị thi đại học. Em thích thể thao, muốn được làm một huấn luyện viên nhưng ba em không thích. Ba em có một người bạn thân rất giỏi trong ngành kiến trúc, bác ấy lại nói chuyện rất hay, cuộc sống của bác rất thành đạt. Và ba muốn sau này em cũng được như bác ấy. Nhưng em thi kiến trúc hai lần rồi không đậu. Suốt ngày cứ bị mẹ cằn nhằn, ba chê bai, thất vọng về em. Lần này mà em thi không xong nữa thì không biết có sống nổi trong nhà không?
L. đã viết những dòng tâm sự này trong email gửi cho một thầy giáo cũ. Thầy cũng có một người con, là bạn học với em trước đây ở cấp 2. Lúc nhỏ, người bạn đó cũng từng mơ ước lớn lên làm tài xế vì rất thích xe hơi. Nhưng nhờ được ba giải thích rõ ràng là muốn có xe đẹp, chạy nhanh, thì phải biết làm ra xe hơi. Và thầy giáo của L. đã mua cho con những quyển sách về xe rất đẹp và hay.
Năm học lớp 10, thầy còn dám cho bạn của L. đi học sửa xe, trong khi các bạn khác bù đầu học thêm các môn khác. Bây giờ, người bạn đó đã là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại học Bách khoa. Và L. vẫn thường ganh tị với bạn về tất cả những điều đó. Không biết ba mẹ của L. sẽ suy nghĩ gì khi đọc được những lời tâm sự trên của em? Mong sao họ sẽ suy nghĩ lại: “Hãy giúp con chọn một nghề - chọn một lối sống trong tương lai”.
Theo Lê Linh Trang

Người Lao động

0 nhận xét: